Chi tiết - Sở nội vụ

'Một vài km đường cao tốc có thể chuyển đổi số cả ngành Nội vụ'

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, so với các hạ tầng khác thì chuyển đổi số không tốn kém. “Một vài km đường cao tốc thì có thể chuyển đổi số cả ngành nội vụ”, ông nói.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Nội vụ ngày 12/1, nhiều bộ ngành, địa phương đã nêu lên không ít vấn đề đáng chú ý liên quan đến công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Mỗi công chức, viên chức sẽ có một trợ lý ảo

Đề cập đến công tác chuyển đổi số (CĐS) trong ngành Nội vụ, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số cần nhất là cam kết của người đứng đầu, sự quyết liệt vào cuộc của người đứng đầu. Chị Trà (Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà-PV) mà quyết tâm, quyết làm thì chuyển đổi số ngành Nội vụ sẽ thành công”.

Theo Bộ trưởng TT&TT, Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ nên ra Nghị quyết chuyên đề về CĐS và có chương trình hành động về CĐS trong năm nay.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các văn bản chiến lược và kế hoạch CĐS năm 2022, trên cơ sở đó, các bộ trưởng sẽ phê duyệt kế hoạch CĐS năm 2022 của bộ mình và triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Ông phân tích, chuyển đổi số ngành Nội vụ tức là toàn bộ công viên chức ngành nội vụ từ Trung ương tới địa phương, tới tỉnh, tới huyện, tới xã làm việc chung trên nền tảng số. Các địa phương không phải đầu tư, không phải vận hành khai thác như các hệ thống CNTT trước đây. Nền tảng số thì toàn bộ tri thức của ngành Nội vụ đã được cấy vào phần mềm và dễ dùng như dùng mạng xã hội, không mất nhiều công sức đào tạo sử dụng như các phần mềm CNTT trước đây.

“Một thay đổi mới của ngành sẽ được lập trình vào nền tảng số để sáng ngày hôm sau cán bộ, công chức của 63 tỉnh thành, hàng ngàn huyện, hàng chục ngàn xã sẽ làm việc với nhau. Nền tảng số thì dữ liệu tập trung và liên thông, không phải cấp dưới báo cáo cấp trên, sẽ giảm rất nhiều lao động. Dữ liệu tập trung thì mới có dữ liệu lớn để dùng trí tuệ nhân tạo phân tích, đánh giá tạo ra giá trị mới”, Bộ trưởng TT&TT gợi mở.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, khó khăn lớn nhất của cán bộ công chức hiện nay là phải nhớ quá nhiều văn bản, các quy định, các số liệu. Vậy nên ai cũng muốn có thư ký giúp việc nhưng chỉ có cấp thứ trưởng trở lên mới có thư ký trợ lý.

“CĐS mỗi công chức, viên chức, người lao động ngành nội vụ sẽ có một trợ lý ảo để hỗ trợ công việc. Trở lý này như một chuyên gia nhớ nhiều, hỏi gì cũng được, càng ngày càng giỏi, càng dùng nhiều càng giỏi vì nó học được tri thức của con người”, ông đề nghị ngành Nội vụ nên triển khai sớm việc này, nếu làm nhanh trong 6 tháng là xong.

Bộ trưởng TT&TT cũng nêu thực tế hiện nay có đến hàng triệu văn bản nên có mâu thuẫn cũng là tất yếu. Chỉ có công nghệ trí tuệ nhân tạo mới làm được điều này để tránh văn bản mâu thuẫn. Vì vậy, ngành nội vụ cần nhanh xây dựng công nghệ AL để phát hiện mâu thuẫn các văn bản quy định cho ngành mình.

Ông cũng nêu thực tế hiện nay cơ sở dữ liệu về công chức, viên chức, người lao động của bộ máy nhà nước chưa đạt nên cần làm ngay trong năm nay. Đây là điều kiện cần để CĐS ngành nội vụ.

Để thực hiện nhanh CĐS thì lãnh đạo Bộ Nội vụ chỉ cần quyết định CĐS cái gì và cung cấp tri thức của ngành để đưa vào phần mềm; còn làm như thế nào đã có các nhà chuyên môn và DN làm.

“Phát triển xong nền tảng thì Bộ Nội vụ và toàn bộ hệ thống phải dùng hàng ngày, góp ý các bất cập để nền tảng thông minh hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Ông cũng khẳng định, nếu so với các hạ tầng khác thì CĐS không tốn kém. “Một vài km đường cao tốc thì có thể CĐS cả ngành nội vụ”.

Hiện công nghệ đã sẵn sàng, nhiều nền tảng số đã được phát triển, các DN số Việt Nam đủ sức để giải bài toán của ngành Nội vụ. “Nếu Bộ trưởng quyết tâm, ngành Nội vụ quyết tâm cùng sự đồng hành của Bộ TT&TT thì những việc nêu trên có thể làm xong trong năm 2022”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Có những thứ bắt thi nhưng kiến thức thực tế không có mấy

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đề nghị tiếp tục rà soát cân nhắc để làm sao cắt giảm hơn nữa một số cuộc thi và chứng chỉ không cần thiết đối với cơ chế sử dụng, tuyển dụng cán bộ, công chức.

“Một số nơi, một số việc tôi thấy hơi hình thức. Có những thứ bắt người ta thi, kiểm tra nhưng kiến thức thực tế không có mấy và sau này cũng không làm gì mấy”, Bộ trưởng Tư pháp nêu thực tế.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Vì vậy ông đề nghị rà soát thêm các tiêu chuẩn, điều kiện đặt ra trong Nghị định số 140/2017 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ mà không thông qua thi tuyển.

“Trong một số trường hợp không hiểu vì sao lúc phỏng vấn trực tiếp hiểu biết cũng mức độ lắm”, Bộ trưởng nêu trải nghiệm chính ông gặp phải.

Ngoài ra, Bộ trưởng Tư pháp cũng đề nghị cân nhắc thêm điều kiện tuyển dụng có bằng tốt nghiệp đại học loại khá và có bằng thạc sỹ.

“Thật ra một người học giỏi và có trình độ chuyên môn tốt thì bằng đại học là quan trọng, còn bằng thạc sỹ thì rất mức độ”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Từng bước xóa bỏ được tình trạng khép kín trong bổ nhiệm

Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho hay, mặc dù không nằm trong danh sách triển khai thực hiện thí điểm tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý của Bộ Nội vụ nhưng Bắc Giang là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước thực hiện nội dung này.

Từ năm 2009, tỉnh đã có đề án thực hiện thí điểm tuyển chọn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc hai ngành: giáo dục - đào tạo và y tế.

Từ năm 2012 đến nay, tỉnh tuyển chọn được 668 vị trí (trong đó 333 cấp trưởng và 335 cấp phó), chủ yếu là tuyển chọn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường thuộc khối sự nghiệp giáo dục và đào tạo (chiếm trên 90% tổng vị trí tổ chức tuyển chọn).

“Kết quả tuyển chọn qua các năm cho thấy, việc thực hiện tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Bắc Giang đã đi vào nề nếp và được các cấp, các ngành, cùng nhân dân trong tỉnh ủng hộ, từng bước xóa bỏ được tình trạng khép kín trong công tác bổ nhiệm”, ông Dương nhấn mạnh.

Chủ tịch Bắc Giang thông tin thêm, nguồn nhân sự tham gia tuyển chọn được mở rộng không chỉ bó hẹp tại cơ quan, đơn vị mà bao gồm tất cả công chức, viên chức trong và ngoài ngành có đủ điều kiện đều được đăng ký dự tuyển. Thông qua việc tổ chức tuyển chọn, khuyến khích được công chức, viên chức trẻ, có năng lực tham gia tuyển chọn để đảm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý. Từ đó góp phần trẻ hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh.

UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Nội vụ sớm ban hành quy định về tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý làm cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện thống nhất.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo Vietnamnet

More
Thống kê
  • Hôm nay3
  • Tháng hiện tại464
  • Tổng lượt truy cập2.289.975
SỞ NỘI VỤ QUẢNG TRỊ

SỞ NỘI VỤ QUẢNG TRỊ

Địa chỉ: 23 Duy Tân - TP. Đông Hà , Quảng Trị
Email: lethilinh@quangtri.gov.vn   Điện thoại: 0233 3 575 084    Fax: 0233 3 850 301
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ Hit Club