Chi tiết - Sở nội vụ

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Bộ Nội vụ và Ngày truyền thống của ngành Tổ chức nhà nước (28/8/1945 - 28/8/2025)

Đề cương được ban hành tại Quyết định số 09/BNV ngày 06/01/2025 của Bộ Nội vụ 

Năm 2025 là năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; năm có nhiều sự kiện trọng đại, ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Đây cũng là dịp Bộ, ngành Tổ chức nhà nước kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Bộ Nội vụ và Ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước (28/8/1945 - 28/8/2025); ôn lại truyền thống vẻ vang qua 80 năm xây dựng và phát triển; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và những đóng góp to lớn của Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước trong công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước; thi đua lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước Bộ Nội vụ lần thứ V, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI.

  1. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG VẺ VANG CỦA BỘ NỘI VỤ VÀ NGÀNH TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC
  1. Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Bộ Nội vụ

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng và theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh về việc triệu tập một cuộc Đại hội đại biểu Quốc dân Việt Nam, ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào, Quốc dân Đại hội đã quyết định mở cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh. Cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi căn bản trên phạm vi toàn quốc. Tại hầu hết các tỉnh, thành phố, huyện, xã, chính quyền cách mạng đã được thành lập.

Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đã đập tan chính quyền của bọn đế quốc và phong kiến tay sai thống trị gần một trăm năm, xoá bỏ vĩnh viễn chế độ quân chủ tồn tại hàng ngàn năm, chế độ thuộc địa nửa phong kiến sụp đổ. Thắng lợi này đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Ngày 27/8/1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc Giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời ra Tuyên cáo nêu rõ: “Nhiệm vụ của Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam hết sức nặng nề. Làm sao cho Chính phủ lâm thời tiêu biểu được Mặt trận Dân tộc thống nhất một cách rộng rãi và đầy đủ. Bởi vậy, Uỷ ban Dân tộc Giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một sổ nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà Quổc dân đã giao phó cho ”.

Chính phủ lâm thời có 15 vị Bộ trưởng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Cơ cấu Chính phủ gồm 13 bộ, trong đó có Bộ Nội vụ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng. Như vậy, ngày 28/8/1945 đã đi vào lịch sử, là ngày khai sinh của Bộ Nội vụ và đánh dấu sự ra đời của ngành Tổ chức nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

  1. Giai đoạn 1946 - 1954

Ngay sau khi thành lập, Bộ Nội vụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời giao nhiệm vụ tổ chức, xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền cách mạng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự trị an và đảm nhiệm một phần chức năng của Chủ tịch phủ, theo dõi và điều hành công tác nội trị, pháp chế, hành chính công và điều phối hoạt động của các bộ khác. Thời kỳ này, Bộ Nội vụ đã có nhiều đóng góp nổi bật, quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng, củng cố chính quyền nói riêng và cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài. Bộ đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương quan trọng về xây dựng bộ máy nhà nước kiểu mới, gồm các sắc lệnh, nghị định tập trung vào các vấn đề cốt lõi của việc xây dựng bộ máy chính quyền nhân dân, chính quyền cách mạng non trẻ như Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, soạn thảo Hiến pháp đầu tiên, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, xây dựng đội ngũ công chức cách mạng... Các sắc lệnh, nghị định này là cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp là người duy nhất trong Chính phủ lâm thời được phép thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời trong một số công việc liên quan đến ban hành văn bản nhà nước. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã thay mặt Chủ tịch nước ký sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam; sắc lệnh mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân Đại hội; sắc lệnh bãi bỏ hai ngạch quan hành chính và quan tư pháp... Bên cạnh công tác tham mưu, Bộ Nội vụ đã trực tiếp tổ chức thực hiện nhiều công việc cụ thể về tổ chức bộ máy Chính phủ, chế độ công vụ, công chức, xây dựng chính quyền địa phương, bảo đảm trật tự, an ninh xã hội, bảo vệ Đảng, Chính phủ trước sự chống phá của kẻ thù.

Sau cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng là một chí sĩ yêu nước, là nhà báo cách mạng lỗi lạc của Việt Nam trong giai đoạn thực dân Pháp đô hộ, là người có ảnh hưởng to lớn trong giới trí thức miền Trung (được tôn sùng là “mãnh hổ miền Trung”), được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay đồng chí Võ Nguyên Giáp được giao chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Từ đây, Ngành Tổ chức nhà nước cũng từng bước được củng cố, kiện toàn. Ngày 19/1/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Nghị định số 14/NV quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ. Lãnh đạo Bộ Nội vụ thời kỳ này bao gồm: Bộ trưởng, Đổng lý Văn phòng, Chánh Văn phòng. Cơ quan Bộ có hai bộ phận là Văn phòng và bốn nha: (1) Nha Công chức và Kế toán; (2) Nha Pháp chế và Hành chính; (3) Nha Thanh tra; (4) Nha Công an.

Ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 82/SL cử Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng thay Chủ tịch ký những công văn thường ngày. Đặc biệt, cụ Huỳnh Thúc Kháng được giao quyền Chủ tịch nước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp dự Hội nghị Fontainebleau năm 1946 (30/5/1946 - 20/10/1946). Trong thời gian này, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã Chủ toạ các phiên họp của Hội đồng Chính phủ và trực tiếp điều hành Hội đồng Chính phủ trong khi Chủ tịch Chính phủ ra nước ngoài. Điều này khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ Nội vụ trong Chính phủ.

Ngày 3/5/1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 58/SL quy định tổ chức và chức năng của cơ quan thuộc Bộ Nội vụ. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, chính thức quy định cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ. Bộ có thêm hai nha mới là Nha Thông tin tuyên truyền và Nha Dân tộc thiểu số. Đến năm 1953, Nha Công an tách ra để thành lập Thứ bộ Công an, sau đổi thành Bộ Công an.

Trong hơn một năm đầu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Nội vụ đã đóng góp rất to lớn vào công việc nội trị (an ninh nội trị, tổ chức bộ máy quản trị nhà nước gồm bộ máy và nhân sự). Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân bằng các văn bản pháp luật và các chính sách được ban hành. Bộ Nội vụ cũng đảm đương 2 nhiệm vụ quan trọng thông qua vai trò của các Ủy ban Nhân dân địa phương, đó là: chống lụt (hộ đê) và chống đói (cứu đói). Đây là 2 nhiệm vụ cấp bách khi mới giành được chính quyền, cũng là 2 thành tựu nổi bật nói lên bản chất của nhà nước độc lập.

Dù mới được thành lập nhưng hoạt động của Bộ Nội vụ cùng với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chung của đất nước, xây dựng và củng cố bộ máy chính quyền nhân dân non trẻ. Sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Bộ Nội vụ đã chuẩn bị nhiều văn bản quy phạm pháp luật để Chính phủ, Chủ tịch Chính phủ ban hành nhằm củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, thiết lập chế độ công chức mới phù hợp với điều kiện vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Đặc biệt, việc ban hành Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/5/1950 quy định chế độ công chức mới đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng đội ngũ công chức của Nhà nước cách mạng.

Trong giai đoạn này, Bộ Nội vụ trực tiếp thực hiện nhiều công việc quan trọng như: xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy các cơ quan của Chính phủ, ban hành quy chế tổ chức của bộ, ngành chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan giúp việc Ủy ban kháng chiến hành chính địa phương; xây dựng và quản lý chính quyền địa phương các cấp, quy định việc tổ chức bộ máy, thủ tục thành lập, xác lập địa giới hành chính; xây dựng chế độ, công chức, công vụ mới và quản lý cán bộ, công chức, ấn định biên chế, quy định thể lệ tuyển dụng, tổ chức thi tuyển các ngạch công chức, giúp Chính phủ quản lý việc lập hội và quản lý hội. Ngành Tổ chức nhà nước lần đầu tiên đã tổ chức thành công đợt thi tuyển công chức mới cho bộ máy nhà nước dân chủ nhân dân.

Từ năm 1948 - 1950, trụ sở làm việc của Bộ Nội vụ được dời lên thủ đô giải phóng, thủ đô kháng chiến và đóng quân tạm thời tại thôn Yên Thượng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Cũng trong giai đoạn này, Bộ Nội vụ giữ trọng trách bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tham gia vào mọi công tác chống thù trong, giặc ngoài. Mặc dù phải hoạt động trong điều kiện khó khăn, gian khổ ở chiến khu Việt Bắc, lại phải di chuyển cơ quan nhiều lần nhưng tổ chức bộ máy của Bộ Nội vụ vẫn không ngừng được củng cố và phát triển.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 07/5/1954), Bộ Nội vụ đã nhanh chóng bắt tay vào công tác xây dựng bộ máy chính quyền sau chiến tranh. Chỉ trong một thời gian ngắn, các vấn đề như kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương, thành lập các khu tự trị Tây Bắc, Việt Bắc, tổ chức các tỉnh, thành phố; xây dựng chế độ tiền lương, điều chỉnh biên chế,... đã được thực hiện, góp phần nhanh chóng củng cố chính quyền, giúp bộ máy nhà nước tổ chức, điều hành và động viên nhân dân khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Như vậy, dấu ấn nổi bật của Bộ Nội vụ đối với Chính phủ trong giai đoạn này là khẩn trương tham mưu xây dựng, củng cố, bảo vệ thành công và phát huy tối đa công năng của hệ thống chính quyền cách mạng còn non trẻ thông qua việc phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh chống lại thù trong, giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt.

  1. Giai đoạn 1954 - 1975

Thành tựu quan trọng của Bộ Nội vụ trong giai đoạn này là củng cố chính quyền nhân dân, xây dựng bộ máy nhà nước phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Bộ Nội vụ đã tham mưu giúp Hội đồng Chính phủ củng cố, bổ sung các bộ và xây dựng các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ; nghiên cứu, tham mưu để Hội đồng Chính phủ trình Quốc hội tổ chức bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, trên cơ sở cơ cấu của Chính phủ theo Hiến pháp năm 1959 và Nghị quyết của Quốc hội, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của đất nước. Theo Nghị định số 130/CP của Chính phủ ban hành ngày 29/9/1961, Bộ Nội vụ là cơ quan của Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm quản lý công tác tổ chức và dân chính theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bảo đảm hoàn thành tốt công tác xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước và công tác dân chính. Trong thời gian này, Bộ đã nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ mới; trình Hội đồng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, chế độ, thể lệ và phê chuẩn thành lập các tổ chức mới thuộc thẩm quyền; về xây dựng và củng cố chính quyền địa phương các cấp; về quản lý địa giới các đơn vị hành chính; về chỉ đạo thống kê lực lượng cán bộ, công nhân viên hành chính; về tổ chức bầu cử; quản lý Trường Hành chính Trung ương[1] (9/1965 - 5/1980); quản lý biên chế các cơ quan thuộc khu vực nghiên cứu sản xuất, về các chế độ, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ; chỉ đạo thực hiện chính sách đối với Việt kiều về nước; quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy.

Về tổ chức bộ máy của Bộ Nội vụ và của ngành đã có nhiều thay đổi theo hướng mở rộng thêm chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn. Đặc biệt, theo quy định tại Thông tư số 15/NV ngày 13/6/1963 của Bộ Nội vụ, các công tác do Bộ Nội vụ chỉ đạo ở khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tập trung vào một đầu mối tổ chức thống nhất lấy tên là Ban Tổ chức dân chính. Việc quy định tổ chức bộ máy làm công tác tổ chức nhà nước ở các tỉnh, thành phố là một mốc quan trọng, đánh dấu sự hoàn chỉnh của hệ thống tổ chức trong lĩnh vực tổ chức nhà nước. Theo đó, hệ thống tổ chức nhà nước gồm: Bộ Nội vụ, các vụ tổ chức cán bộ ở các bộ, ngành và Ban Tổ chức dân chính ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ năm 1970 có sự thay đổi trong hệ thống tổ chức của ngành Tổ chức nhà nước. Theo Quyết định số 40/CP ngày 26/2/1970 của Hội đồng Chính phủ, các chức năng, nhiệm vụ quản lý công tác tổ chức nhà nước chuyển từ Bộ Nội vụ về Phủ Thủ tướng.

Năm 1973, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành được nhiều thắng lợi quyết định, để chuẩn bị cho một phương hướng chiến lược mới, chuẩn bị cho một Nhà nước thống nhất, ngày 20/2/1973, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/CP thành lập Ban Tổ chức của Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ quản lý công tác tổ chức, xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước trong tình hình mới. Ban Tổ chức của Chính phủ đảm nhiệm là cơ quan đầu mối của Chính phủ trong lĩnh vực tổ chức nhà nước. Như vậy, mặc dù có sự điều chuyển tổ chức bộ máy đảm nhiệm các chức năng, nhiệm vụ quản lý công tác tổ chức của Nhà nước ở Trung ương nhưng hệ thống ngành Tổ chức nhà nước vẫn được duy trì, các nhiệm vụ của ngành tiếp tục được triển khai, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Sau Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975), ngành Tổ chức nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong công tác tổ chức và hoạch định chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong điều kiện thống nhất cơ chế, quản lý về tổ chức và nhân sự trên toàn quốc.

  1. Giai đoạn 1975 - 2002

Trong giai đoạn này, bộ máy nhà nước được xác lập bởi Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Đây là giai đoạn có nhiều khó khăn, thách thức khi tổ chức bộ máy nhà nước được chuyển đổi từ chế độ quản lý tập trung, kế hoạch hóa, bao cấp sang chế độ quản lý mới, xóa bỏ bao cấp, từng bước đổi mới bộ máy nhà nước phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về cơ cấu tổ chức, theo quy định tại Nghị định số 135/HĐBT ngày 07/5/1990 của Hội đồng Bộ trưởng, Ban Tổ chức của Chính phủ được đổi tên thành Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và được bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn với tư cách là cơ quan thuộc Chính phủ. Ngày 30/9/1992, Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá IX đã quyết định Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ là cơ quan ngang Bộ. Theo đó, ngày 09/11/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 181/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ. Từ một cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đã trở thành một cơ quan ngang Bộ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước; công chức, viên chức nhà nước; lập hội quần chúng và tổ chức phi chính phủ; phân vạch địa giới hành chính và công tác lưu trữ tài liệu quốc gia.

Từ năm 1980, các hoạt động của ngành Tổ chức nhà nước đã góp phần kiện toàn cơ cấu Hội đồng Chính phủ; kiện toàn Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố; tinh giản bộ máy hành chính; xây dựng cấp huyện và kiện toàn chính quyền cơ sở, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới. Trong giai đoạn này, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đã ban hành được Bộ tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập làm cơ sở quan trọng để thực hiện chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (tuyển dụng, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng và quản lý CBCCVC). Với vai trò là cơ quan chủ trì, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đã phối hợp với Cục Đo đạc bản đồ nhà nước và các địa phương tập trung nguồn lực thực hiện và hoàn thành bộ bản đồ hiện trạng về địa giới hành chính của địa phương để có căn cứ chuẩn xác và cơ sở pháp lý làm tư liệu cho công tác quản lý Nhà nước về địa giới hành chính và lưu trữ Quốc gia đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Hội đồng Bộ trưởng tại Chỉ thị số 364-CT ngày 6/11/1991.

Cũng trong giai đoạn này, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đã nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua pháp lệnh cán bộ, công chức ngày 26/02/1998. Lần đầu tiên công tác quản lý cán bộ công chức được xác lập bằng một văn bản pháp lý quan trọng của Nhà nước thay thế việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức bằng các Thông tri và các văn bản khác của Đảng về công tác cán bộ. Nhằm tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức Nhà nước, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 874/QĐ-TTg ngày 20/11/1996 về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công chức nhà nước. Cũng trong thời điểm này, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đã tham mưu cho Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo hướng giảm dần các Bộ chuyên ngành chuyển sang hoạt động theo cơ chế Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm số lượng Tổng cục thuộc Chính phủ, chuyển chức năng quản lý sản xuất kinh doanh cho các doanh nhiệp nhà nước thực hiện và tự chịu trách nhiệm. Theo đó, bộ máy của Chính phủ đã giảm từ 76 xuống còn 38 đầu mối làm tiền đề cho việc sắp xếp các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xuống còn 30 đầu mối như hiện nay (22 Bộ, cơ quan ngang bộ và 08 cơ quan thuộc Chính phủ). Đây có thể coi là cuộc cách mạng về công tác tổ chức, mạnh dạn đột phá vào khâu khó khăn, phức tạp nhất vì mục tiêu xây dựng nền hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Mặt khác, để thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thể chế, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tài chính công, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách nền hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 20102. Trong đó, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì thực hiện 4/7 chương trình hành động[2] [3]. Với những đóng góp to lớn của ngành Tổ chức nhà nước đối với đất nước, ngày 17/4/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg về ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước, theo đó, Thủ tướng cho phép lấy ngày 28 tháng 8 hàng năm làm Ngày truyền thống của ngành Tổ chức nhà nước’ để ghi nhận đóng góp to lớn của ngành và động viên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành Tổ chức nhà nước nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

  1. Giai đoạn đổi mới và đẩy mạnh cải cách hành chính (từ năm 2002 đến nay)

Ngày 5/8/2002, Quốc hội khóa XI ban hành Nghị quyết số 02/2002/QH11 đổi tên Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ thành Bộ Nội vụ. Ngày 19/9/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 123/2002/QĐ-TTg chuyển Học viện Hành chính Quốc gia[4] về Bộ Nội vụ. Tiếp đó, ngày 9/5/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ; theo đó, về tổ chức bộ máy Bộ Nội vụ thời kỳ này có 16 đơn vị Cục, Vụ, Viện, Học viện Hành chính quốc gia, Văn phòng Bộ và 2 cơ quan thường trực tại miền Trung và miền Nam.

Việc tổ chức các Bộ đa ngành, đa lĩnh vực được triển khai ở các Bộ, ngành Trung ương theo chỉ đạo của Trung ương Đảng và Quốc hội năm 2007. Trên cơ sở của chủ trương là các Ban (tương đương với Tổng cục) trực thuộc Chính phủ có vai trò, chức năng quản lý nhà nước sẽ được sắp xếp vào các Bộ tương ứng, để giảm đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ và phù hợp với việc ban hành các văn bản quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 08/8/2007 về việc chuyển Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ vào Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ thực hiện thêm chức năng quản lý nhà nước về thi đua - khen thưởng, tôn giáo và cơ yếu. Tuy nhiên, đến năm 2011, Ban Cơ yếu Chính phủ được chuyển về Bộ Quốc phòng cho phù hợp với tính chất hoạt động cơ mật, đặc biệt của ngành Cơ yếu. Năm 2014, Học viện Hành chính Quốc gia chuyển từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trở lại thuộc Bộ Nội vụ[5]. Hiện nay, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới đơn vị hành chính; cán bộ, công chức, viên chức và công vụ; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tín ngưỡng, tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của bộ theo quy định của pháp luật[6].

Giai đoạn từ năm 2002 đến nay là thời kỳ mà Bộ Nội vụ, ngành Tổ chức nhà nước được Đảng, Nhà nước quan tâm, tin tưởng và giao thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Cương lĩnh, chiến lược của Đảng và Hiến pháp năm 2013. Theo đó, Bộ Nội vụ đã nỗ lực cao và tập trung ưu tiên nguồn lực vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng. Nổi bật là đã trình cấp có thẩm quyền thông qua các Luật[7]; nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các Đề án để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc trình Chính phủ để trình Trung ương Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành[8]. Đồng thời, Bộ Nội vụ đã ban hành nhiều quyết định, thông tư theo thẩm quyền. Ngoài ra, Bộ còn tích cực tham gia xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác theo yêu cầu của các cơ quan hữu quan với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới cải cách và hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bộ máy hành chính của nhà nước từ Trung ương đến địa phương được kiện toàn, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo sát với thực tiễn, sát cơ sở, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc để phát triển đất nước, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững an ninh, quốc phòng.

Nhằm trang bị kiến thức về lý luận chính trị; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước; chuyên môn nghiệp vụ; kiến thức ngoại ngữ, tin học và các kiến thức bổ trợ khác nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả của bộ máy Nhà nước, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức[9]. Trên cơ sở đẩy mạnh phân cấp trong đào tạo, bồi dưỡng công chức; Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề xuất Chính phủ chủ trương giao cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng bộ, ngành, địa phương được tổ chức bồi dưỡng chương trình lãnh đạo, quản lý cấp phòng; chương trình bồi dưỡng ngạch cán sự, chuyên viên và chuyên viên chính[10]. Đồng thời, để thực hiện cải cách, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với tình hình thực tiễn, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021[11], trong đó cắt giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Trong giai đoạn này, Bộ Nội vụ đã chủ trì tổ chức, triển khai cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 vào ngày 22/5/2011. Lần đầu tiên trong lịch sử nhà nước ta các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp được tổ chức vào cùng một thời điểm, vào cùng một ngày và đã thành công tốt đẹp, tạo điều kiện thuận lợi để bố trí, sắp xếp nhân sự ngay sau Đại hội Đảng các cấp. Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước, trong đó Bộ Nội vụ là cơ quan trực tiếp tổ chức, triển khai các bước, quy trình bầu cử theo luật định, kết thúc giai đoạn kéo dài nhiều năm là 2 cuộc bầu cử nêu trên cách nhau từ 1 năm rưỡi đến 2 năm, tạo sự thuận lợi và thống nhất trong công tác cán bộ giữa Đại hội Đảng các cấp với bầu cử đại biểu HĐND các cấp.

Đồng thời, ở giai đoạn này, Bộ Nội vụ được giao chuẩn bị các nội dung về phần Chính phủ và về phần Chính quyền địa phương, là hai Chương cốt lõi của bộ máy hành chính nhà nước trong xây dựng Hiến pháp năm 2013. Theo đó, lần đầu tiên trong Hiến pháp năm 2013 đã xác định cụm từ “Chính quyền địa phương” thay cho cụm từ ở chương Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân mà các Hiến pháp trước đây thường quy định. Quy định về chính quyền địa phương thể hiện được đầy đủ, toàn diện các chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của hệ thống chính quyền trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đây là đóng góp quan trọng của Bộ Nội vụ với việc xây dựng Hiến pháp năm 2013.

Tóm lại, trong giai đoạn đổi mới và đẩy mạnh cải cách hành chính, Bộ, ngành Tổ chức nhà nước luôn bám sát định hướng, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp để chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao và đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật trong các lĩnh vực công tác của Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước, cụ thể:

Một là, tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC (vượt mục tiêu giảm 10%) mà 3 đợt tinh giản biên chế trước đây không đạt kết quả. Điều đó, thể hiện quyết tâm chính trị và sự chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết của Bộ Nội vụ và toàn ngành Tổ chức nhà nước để thực hiện và đạt mục tiêu đề ra đối với công việc hết sức quan trọng, phức tạp, nhạy cảm và tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ công chức viên chức.

Hai là, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị TW 6 khóa XII về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, Bộ Nội vụ và toàn ngành Tổ chức nhà nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, kiên quyết, kiên trì thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) hoạt động không hiệu quả[12]. Đồng thời hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và ĐvsnCl[13].

Ba là, thực hiện có kết quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 và Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023; Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 và Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ. Theo đó, giai đoạn 2019 - 2021 đã sắp xếp 21 huyện, sau sắp xếp giảm 8 huyện, sắp xếp 1.056 xã, sau sắp xếp giảm 563 xã; giai đoạn 2023 - 2025 sắp xếp 38 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 9 huyện; sắp xếp 1.177 xã, giảm 562 xã. Đồng thời hoàn thiện hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính[14]. Theo đó, đã xác định rõ phạm vi quản lý theo địa bàn lãnh thổ giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giữa các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và giữa các xã, phường, thị trấn trên đất liền và trên biển. Bảo đảm khép kín đường địa giới hành chính các cấp và thống nhất với đường biên giới quốc gia. Hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, bảo đảm đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Để đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, Bộ Nội vụ đang tập trung tham mưu trình Chính phủ để trình Quốc hội, UBTVQH thông qua nhiều Nghị quyết thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, phường, thị trấn... hướng đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt tối thiểu 45% theo tinh thần Nghị quyết XIII của Đảng.

Bốn là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở xã phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực phục vụ tốt yêu cầu của người dân[15].

Năm là, tập trung quyết liệt đổi mới cải cách mạnh mẽ chế độ công vụ, công chức[16] nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tháo gỡ điểm nghẽn trong công tác sử dụng, tuyển dụng và quản lý CBCCVC đã gây phiền hà cho tổ chức trong nhiều năm qua[17].

Sáu là, tích cực tham mưu cho Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020[18]; 2021- 2030[19]. Trong đó, tập trung thực hiện 04 nội dung cơ bản sau: Cải cách thể chế, trọng tâm là thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính nhà nước. Một trong những điểm nổi bật trong công tác cải cách hành chính là đã ban hành và thực hiện có hiệu quả Bộ chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX, SIPAS). Để tạo sự bứt phá về cải cách thủ tục hành chính và triển khai xây dựng Chính phủ điện tử. Với trách nhiệm là cơ quan thường trực về cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, toàn diện về cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, xác định cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức, lề lối làm việc của cơ quan hành chính nhà nước thông qua điện tử hóa, giảm mạnh giấy tờ, cắt giảm chế độ báo cáo; cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính không phù hợp, không cần thiết để giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp... Những kết quả của cải cách nền hành chính nhà nước đã góp phần trực tiếp vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bảy là, công tác văn thư - lưu trữ có bước tiến đột phá chuyển từ lưu trữ văn bản truyền thống sang quản lý văn bản điện tử, lưu trữ số. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn thư, lưu trữ nhằm bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; triển khai xây dựng hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ điện tử được tiến hành với nhiều hình thức phong phú làm cơ sở thúc đẩy chuyển đổi số các lĩnh vực Nội vụ.

Tám là, toàn ngành Tổ chức nhà nước đã đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút đông đảo quần chúng tham gia; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng doanh nghiệp hội nhập và phát triển, xóa đói giảm nghèo... được xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Việc khen thưởng được thực hiện đúng quy định của pháp luật, chú trọng khen thưởng cho công nhân, nông dân và người lao động trực tiếp, qua đó, đã động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến cũng thường xuyên được thực hiện. Chất lượng công tác khen thưởng ngày càng được nâng lên. Tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng đã từng bước được củng cố, kiện toàn theo từng giai đoạn.

Chín là, chủ động phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch và các bộ, ngành, địa phương xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về lĩnh vực tôn giáo và tín ngưỡng; đồng thời chủ động hướng dẫn, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với các tổ chức tôn giáo thực hiện đúng các quy định của pháp luật và hiến chương của các tổ chức tôn giáo; tạo sự đồng thuận, ổn định, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đưa công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng - tôn giáo đi vào hiệu quả góp phần ổn định chính trị, trật tự, an ninh xã hội và đấu tranh nhân quyền.

Mười là, tập trung xây dựng các văn bản pháp luật nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hội, tổ chức phi chính phủ theo đúng tinh thần của các Nghị quyết Trung ương; xem xét quyết định thành lập mới và phê duyệt điều lệ các hội, tổ chức phi chính phủ được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; đồng thời, huy động và phát huy các tổ chức này tham gia có hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác quản lý nhà nước về thanh niên được triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả.

Mười một, công tác thanh tra, pháp chế luôn được chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực, qua đó, đã nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về CBCCVC, đồng thời chấn chỉnh những sai phạm trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý CBCCVC trong cả nước. Việc thẩm định, rà soát, theo dõi thi hành các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm đúng quy trình, quy định. Công tác nghiên cứu khoa học ngày càng đi vào thực chất, đóng góp nhiều luận cứ khoa học thiết thực vào việc nâng cao chất lượng hoạt động quản lý nhà nước của Bộ. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả có đóng góp thiết thực vào việc nâng cao chất lượng hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tổ chức nhà nước.

Tám mươi năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước không ngừng nỗ lực, rèn luyện, tiếp nối phấn đấu tạo nên truyền thống vẻ vang của Ngành. Đó là sự trung thành tuyệt đối với đường lối của Đảng, tận tụy vì sự nghiệp xây dựng đất nước vững mạnh, là ý chí quyết tâm, không chịu lùi bước trước mọi khó khăn, gian khổ, vững bước tiến lên.

Thực hiện nhiệm vụ chung của toàn hệ thống Tổ chức nhà nước, các Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ của các bộ, ngành Trung ương; Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Phòng Nội vụ các quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ đã tích cực thực hiện, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, giúp việc đắc lực cho cấp ủy, lãnh đạo bộ, ngành và chính quyền địa phương trong lĩnh vực công tác quan trọng này, đóng góp vào thành tích chung của toàn ngành. Với những thành tích đã đạt được, ngày 30/5/2005, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký ban hành Quyết định số 535/2005/QĐ/CTN về việc tặng thưởng Huân chương Sao vàng cho Bộ Nội vụ nhằm ghi nhận những công lao to lớn đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

  1. NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI BỘ NỘI VỤ VÀ NGÀNH TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC

Trong chặng đường 80 năm xây dựng và phát triển, Bộ Nội vụ đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp xây dựng bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu của cách mạng qua từng thời kỳ lịch sử, đồng thời trực tiếp tham gia giải quyết nhiều công việc cụ thể được Đảng, Chính phủ giao phó trong lĩnh vực Tổ chức nhà nước, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Những kết quả đạt được cho phép rút ra một số bài học kinh nghiệm cho công tác của ngành Tổ chức nhà nước như sau:

Thứ nhất: Xây dựng chính quyền nhà nước phải luôn nắm vững đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước kiểu mới, Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Việc xây dựng tổ chức bộ máy luôn xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng, của đất nước trong từng thời kỳ; từ yêu cầu nhiệm vụ mà định tổ chức, cán bộ. Phát huy dân chủ, dựa vào nhân dân để xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.

Thứ hai: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước phải luôn nắm vững quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Quan tâm xây dựng đội ngũ cả về đức và tài, có bản lĩnh chính trị, trung thành với Đảng, với Tổ quốc; có trình độ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ, tôn trọng kỷ luật, tận tụy với công việc, thật sự là công bộc của nhân dân, có hoài bão phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển cán bộ và tổng kết thực tiễn.

Thứ ba: Công tác tổ chức nhà nước có tính khoa học và thực tiễn sâu sắc; vì vậy, xây dựng bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn cách mạng đất nước, có căn cứ khoa học và sử dụng kinh nghiệm tốt của các nước trên thế giới. Công tác tổ chức phải gắn bó với thực tiễn, từ thực tiễn cách mạng mà xây dựng tổ chức, từ nhiệm vụ mà đề bạt, sử dụng cán bộ, lựa chọn nhân tài. Trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tổ chức phối hợp với các cơ quan Đảng, Nhà nước để làm tốt công tác tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ tư: Để làm tốt nhiệm vụ xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ CBCCVC của Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước phải thường xuyên củng cố khối đoàn kết thống nhất, không ngừng rèn luyện nâng cao năng lực và phẩm chất, có quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng đáp ứng nhanh với sự thay đổi. Đội ngũ CBCCVC của Ngành từ Trung ương đến địa phương phải học tập, rèn luyện, phấn đấu để xứng tầm các nhiệm vụ được giao. CBCCVC của Ngành phải gương mẫu, đề cao tinh thần trách nhiệm; luôn cầu thị, chịu khó học hỏi, đổi mới tư duy, sửa đổi cách làm việc; gắn bó với thực tiễn công việc và với phong trào cách mạng, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

  1. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA BỘ NỘI VỤ VÀ NGÀNH TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC THỜI Gian tới

Cùng với việc thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất nước ta đã và đang từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII là dấu mốc, là bước chuyển quan trọng, trong đó có vị trí, vai trò quan trọng của Bộ Nội vụ với tư cách là cơ quan của Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới đơn vị hành chính; cán bộ, công chức, viên chức và công vụ; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tín ngưỡng, tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của bộ theo quy định của pháp luật,... Bộ Nội vụ có nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch; bảo đảm Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội; phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương; cơ bản hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Việc tổ chức thực hiện thành công mục tiêu này có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề vững chắc góp phần để đất nước phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Với trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chính trị và cũng là danh dự, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước cần phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và cùng đoàn kết, phấn đấu để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm cơ bản sau đây:

1. Chú trọng, tập trung ưu tiên nguồn lực vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả,.. qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thiết lập cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng xác định rõ và thực hiện đầy đủ vị trí, vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ trong xây dựng pháp luật, nâng cao năng lực phản ứng chính sách; bảo đảm chủ động tham gia, phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm soát của Chính phủ đối với nền hành chính quốc gia và việc thực hiện quyền lập pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị nhà nước, tạo điều kiện cho đất nước phát triển và trước hết là trực tiếp phục vụ đắc lực cho người dân, doanh nghiệp.

  1. Tiếp tục tham mưu cho cấp có thẩm quyền đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức các bộ, các cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực. Tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của bộ trưởng với tư cách thành viên Chính phủ trong quản lý vĩ mô và xây dựng chính sách; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển.

Kiên quyết, kiên trì sắp xếp một cách hợp lý tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

  1. Xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với ba trụ cột chính là (1) Tổ chức bộ máy; (2) Công vụ, công chức; (3) Hành chính điện tử và chuyển đổi số. Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, cản trở cạnh tranh lành mạnh; áp dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số; đồng thời tiếp tục cải cách, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, chất lượng dịch vụ công; sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, bảo đảm chất lượng, hoạt động hiệu quả.

  1. Hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; giảm cấp chính quyền phù hợp ở một số địa phương; xây dựng mô hình quản trị chính quyền địa phương phù hợp với từng địa bàn, gắn với yêu cầu phát triển các vùng, khu kinh tế và phù hợp với quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính của quốc gia và từng địa phương; xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đánh giá việc thực hiện chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng và thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nằng, đồng thời với việc tiếp tục thực hiện nâng cấp xã lên phường, huyện lên thị xã và thành phố thuộc tỉnh để mở rộng không gian đô thị đạt tỉ lệ đô thị hóa toàn quốc thiểu 45% theo tinh thần Nghị quyết XIII của Đảng. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn tổ chức mô hình chính quyền đô thị nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Tổ chức chính quyền đô thị để giải quyết căn cơ vấn đề tổ chức quản lý, cơ chế, chính sách đặc thù đối với chính quyền đô thị.

  1. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền khoa học, hợp lý, đi đôi với nâng cao trách nhiệm, gắn với bảo đảm nguồn lực, năng lực thực hiện pháp luật cho các địa phương và các bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát; bảo đảm quản lý thống nhất của Chính phủ, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng địa phương và các bộ.

Xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ; giữa các bộ với nhau; giữa Chính phủ, các bộ với chính quyền địa phương; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; phân định rõ trách nhiệm giữa cá nhân và tập thể, đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong các cơ quan hành chính nhà nước.

  1. Tập trung phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền hành chính quốc gia; cải cách mạnh mẽ chế độ công vụ, công chức với quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất[20], trình độ và năng lực chuyên môn nghiệp vụ ngang tầm với nhiệm vụ, cầu thị, tiếp biến tinh hoa nhân loại, của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư để đẩy nhanh tốc độ kiến tạo thể chế hành chính nhà nước. Thực hiện chế độ cạnh tranh và thải loại, giải quyết cho thôi việc, miễn nhiệm chức vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, vị phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính; đồng thời quy định và thực hiện chính sách thu hút, phát hiện, tiến cử và trọng dụng người có thực tài trong hoạt động công vụ; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, tiêu chuẩn nghiệp vụ, tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao bằng sản phẩm cụ thể và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Tự hào nối tiếp và phát huy truyền thống 80 năm lịch sử vẻ vang dưới dự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Nội vụ, ngành Tổ chức nhà nước sẽ tiếp tục đoàn kết, tâm huyết, trách nhiệm, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, tạo ra những động lực mới, giá trí mới để làm vẻ vang hơn nữa truyền thống lịch sử hào hùng của ngành Tổ chức nhà nước, đóng góp tích cực, hiệu quả quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.

PHỤ LỤC 1

DANH SÁCH CÁC BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ VÀ TRƯỞNG BAN

BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY

(Kèm theo Quyết định số     /QĐ-BNV ngày     /     /2025 của Bộ Nội vụ)

STT

Họ tên

Chức vụ

1

Võ Nguyên Giáp

Bộ trưởng

2

Huỳnh Thúc Kháng

Bộ trưởng

3

Tôn Đức Thắng

Bộ trưởng

4

Phan Kế Toại

Bộ trưởng

5

Ung Văn Khiêm

Bộ trưởng

6

Dương Quốc Chính

Bộ trưởng

7

Vũ Trọng Kiên

Trưởng ban

8

Trần Công Tuynh

Quyền Trưởng ban

9

Phan Ngọc Tường

Bộ trưởng - Trưởng ban

10

Đỗ Quang Trung

Bộ trưởng - Trưởng ban

11

Trần Văn Tuấn

Bộ trưởng

12

Nguyễn Thái Bình

Bộ trưởng

13

Lê Vĩnh Tân

Bộ trưởng

14

Phạm Thị Thanh Trà

Bộ trưởng

PHỤ LỤC 2

DANH SÁCH CÁC THỨ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ VÀ PHÓ TRƯỞNG

BAN BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ Từ năm 1945 ĐẾN NAY
(Kèm theo Quyết định số              /QĐ-BNV ngày    /     /2025 của Bộ Nội vụ)

STT

Họ tên

Chức vụ

1

Hoàng Minh Giám

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

2

Hoàng Hữu Nam

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

3

Trần Duy Hưng

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

4

Lê Văn Lương

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

5

Phạm Văn Bạch

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

6

Tô Quang Đẩu

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

7

Lê Tất Đắc

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

8

Nguyễn Văn Ngọc

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

9

Lê Đình Thiệp

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

10

Nguyễn Diêu

Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Chính phủ

11

Trịnh Nguyên

Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Chính phủ

12

Dương Văn Phúc

Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Chính phủ

13

Trần Công Tuynh

Phó Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ

14

Tô Tử Hạ

Phó Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ

15

Nguyễn Khắc Thái

Phó Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ

16

Nguyễn Ngọc Hiến

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

17

Đặng Quốc Tiến

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

18

Nguyễn Trọng Điều

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

19

Thang Văn Phúc

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

20

Trần Hữu Thắng

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

21

Văn Tất Thu

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

22

Nguyễn Duy Thăng

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

23

Trần Thị Hà

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

24

Nguyễn Tiến Dĩnh

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

25

Trần Anh Tuấn

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

26

Phạm Dũng

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

27

Nguyễn Đăng Thành

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

28

Triệu Văn Cường

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

29

Nguyễn Trọng Thừa

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

30

Vũ Chiến Thắng

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

31

Trương Hải Long

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

32

Cao Huy

Thứ trưởng Bộ Nội vụ

 

[1]   Trường Hành chính Trung ương (nay là Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ) được thành lập theo Nghị quyết số 214-NV ngày 29/5/1959 của Thủ tướng Chính phủ (do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký). Ngày 30/3/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 81-CP chuyển Trường Hành chính Trung ương từ trực thuộc Bộ Nội vụ sang trực thuộc Ban Tổ chức của Chính phủ. Ngày 06/7/1992, Trường Hành chính Trung ương được đổi tên thành Học viện Hành chính Quốc gia theo Nghị định số 253- HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.

[2]   Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ

[3]   Chương trình nghiên cứu xác định vai trò, chức năng và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; Chương trình tinh giản biên chế; Chương trình xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; Chương trình cải cách tiền lương.

[4]   Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, để giảm bớt đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ, Học viện Hành chính Quốc gia từ cơ quan thuộc Chính phủ được chuyển giao nguyên trạng vào Bộ Nội vụ theo Quyết định số 123/2002/QĐ-TTg ngày 19/9/2002 của Thủ tướng Chính phu.

[5]   Theo Quyết định số 60-QD/TW ngày 07/5/2007 của Ban Chấp hành Trung ương, Học viện Hành chính Quốc gia được hợp nhất với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thành Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Sau 7 năm hợp nhất với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 10/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 121/NQ-CP, trong đó quyết nghị: “Chuyển Học viện Hành chính từ Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh về Bộ Nội vụ theo Kết luận số 64-KL/TƯ ngày 28/5/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Văn bản số 176-CV/TƯ ngày 23/10/2013 của Ban Bí thư và gọi tên là Học viện Hành chính Quốc gia”.

[6]   Nghị định 63/2022/NĐ-CP ngày 12/9/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

[7]   Luật cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi năm 2019); Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo năm 2016; Luật Thanh niên năm 2020; Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2022; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; Luật Lưu trữ (sửa đổi, bổ sung năm 2024).

[8]   Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008 - 2012; Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15/11/2008 của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết 1206/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 13/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân ; Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19- NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ; Nghị quyết số 27- NQ/TW ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/03/2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021; Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/07/2023 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030...

[9]   Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg ngày 04/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

[10]   Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 09 năm 2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

[11]    Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

[12]    Kết quả giai đoạn 2021-2023 đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương Tổng cục, giảm 10 cục thuộc tổng cục và thuộc Bộ, giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc Bộ; giảm 13 Sở và tương đương, giảm 2.590 phòng và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; giảm 8.295 ĐVSNCL, đạt 14,84% so với năm 2016, vượt chỉ tiêu Trung ương giao.

[13]    Tổng số VTVL trong cơ quan, tổ chức hành chính là 840 vị trí. Trong đó, lãnh đạo, quản lý là 122 vị trí (107 VTVL đã quy định tại Thông tư; 13 VTVL chưa quy định tại Thông tư; 02 VTVL chuyên gia); công chức nghiệp vụ chuyên ngành là 656 vị trí; công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung là 40 vị trí và hỗ trợ, phục vụ là 22 vị trí.

[14]    Triển khai thực hiện Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phu phê duyệt Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính; Quyết định số 874/QĐ-TTg ngày 25/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc kéo dài thời gian triển khai thực hiện Dự án 513 đến hết ngày 31/12/2020.

[15]   Từ năm 2021 đến nay đã trình UBTVQH thông qua 30 Nghị quyết thành lập 142 đơn vị hành chính đô thị (06 thành phố, 06 thị xã, 105 phòng, 26 thị trấn của 22 tỉnh).

[16]    Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, tiêu chuẩn nghiệp vụ, tiêu chí đánh giá CBCCVC dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao bằng sản phẩm cụ thể và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý CBCCVC bảo đảm liên thông giữa các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh và phân cấp triệt để việc tuyển dụng, sử dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức; bỏ quy định về thi thăng hạng viên chức; bỏ yêu cầu bắt buộc về chứng chỉ đào tạo tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, nâng ngạch; cắt giảm chứng chỉ, bồi dưỡng ngạch công chức và chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức đã tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí được xã hội đánh giá cao.

[17]    Từ năm 2021 đến nay, cả nước đã tuyển dụng 200.051 CCVC (có 24.219 công chức và 175.832 viên chức). Thực hiện Nghị quyết số 26, Kết luận số 86 của Bộ Chính trị, cả nước đã tuyển dụng 2.891 đối tượng là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ (Trung ương là 1.110 người, địa phương là 1.781 người). Riêng thực hiện theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ đến nay đã tuyển dụng được 584 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ (Trung ương là 170 người, địa phương là 414 người); cả nước đã đào tạo, bồi dưỡng cho gần 4.000.000 lượt CBCCVC, đặc biệt là quan tâm chú trọng tổ chức 07 khoá đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài cho đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ của chính quyền địa phương.

[18]   Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.

[19]   Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

[20] Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

More
Thống kê
  • Hôm nay1
  • Tháng hiện tại32
  • Tổng lượt truy cập2.302.965
SỞ NỘI VỤ QUẢNG TRỊ

SỞ NỘI VỤ QUẢNG TRỊ

Địa chỉ: 23 Duy Tân - TP. Đông Hà , Quảng Trị
Email: lethilinh@quangtri.gov.vn   Điện thoại: 0233 3 575 084    Fax: 0233 3 850 301
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ Hit Club