Chi tiết - Sở nội vụ

Chuyển đổi số phải là công cụ đột phá để phát triển

Chiều ngày 18/8/2022, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội nghị "Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số". Đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có bài phát biểu quan trọng để định hướng công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Kính thưa Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh,

Thưa toàn thể các đồng chí tham dự hội nghị tại các điểm cầu trên toàn tỉnh !

Hôm nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội nghị nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tỉnh.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tôi trân trọng cảm ơn Tập đoàn FPT và cá nhân ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT trong thời gian qua đã quan tâm hỗ trợ tỉnh Quảng Trị trong thực hiện chuyển đổi số và phối hợp tổ chức hội nghị hôm nay.

 

 

Xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí tham dự hội nghị trực tiếp tại hội trường Tỉnh ủy; điểm cầu Tập đoàn FPT và các huyện, thị, thành ủy lời chúc sức khỏe và hạnh phúc; chúc hội nghị của chúng ta hoàn thành tốt các nội dung yêu cầu đề ra.

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu !

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị “về một số chủ trương, chính sách chủđộng tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 190-KH/TU, ngày 15/8/2020 về thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 04/11/2021 “về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định “Chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Chuyển đổi số là nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

 

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã có nhiều văn bản cụ thể hóa để triển khai thực hiện, như: Nghị quyết số 50/NQ-CP, ngày 17/4/2020 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 về phê duyệt “chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80 % hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60 % hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%. Kinh tế số phải thúc đẩy năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Đến năm 2030,100% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4, kinh tế số chiếm 30% GDP, tỷ trọng nền kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực tối thiểu 20 %, đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI) và đổi mới sáng tạo (GII). Những mục tiêu này, thực ra còn khiêm tốn khi chúng ta biết rằng hiện nay nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc kinh tế số chiếm trên 40 %.

Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định số 27-QĐ/TW, ngày 10/8/2021 về chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng giai đoạn 2021-2025, trong đó đề ra yêu cầu “Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan Đảng phù hợp chương trình chuyển đổi số quốc gia”.

 

 

Xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng hàng đầu trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, là công cụ tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, là mục tiêu và động lực tăng trưởng kinh tế, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội của địa phương; trong những năm qua lãnh đạo tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số. Các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong triển khai thực hiện, bước đầu đem lại kết quả rất đáng phấn khởi và toàn diện: từ đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, thiết bị phục vụ chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện “số hóa” văn bản, dữ liệu đến triển khai các thành tựu chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể, lực lượng vũ trang, các cơ quan báo chí, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trong các lĩnh vực của nền kinh tế. 

 

Hoạt động của Trung tâm IOC Quảng Trị.

Trong lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều mô hình doanh nghiệp và người dân ứng dụng công nghệ IoT và hệ thống cảm biến để quản lý sản xuất, sử dụng Smartphone thiết lập, trao đổi thông tin giữa nhà máy với người dân, sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV). Số hóa chuỗi quá trình từ sản xuất- thu hoạch- chế biến- phân phối, ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc...

Trong lĩnh vực thương mại, du lịch đã có hàng ngàn sản phẩm trong tỉnh được trưng bày trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng quét mã QR ở các điểm du lịch để cung cấp thông tin cho du khách, livestreams quảng bá sản phẩm trực tuyến ...

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai khá đồng bộ các ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động của Ngành phục vụ công tác chỉ đạo, giảng dạy cũng như góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là thời gian diễn ra đại dịch covid-19.

Trong lĩnh vực báo chí: Các cơ quan báo chí địa phương đã nhanh chóng tiếp cận và phát huy các thành tựu chuyển đổi số để tăng lượng tương tác, thu hút độc giả trên internet. Có chương trình livestreams trên Fanpage của Đài Phát thanh- Truyền hình Quảng Trị đã thu hút hàng triệu độc giả. Các tin bài trên Báo Quảng Trị điện tử là thông tin dẫn nguồn quan trọng cho cho các trang mạng xã hội phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền. Tạp chí Cửa Việt đã ứng dụng hiệu quả mô hình tòa soạn online, xuất bản bài viết dưới hình thức emagazine, ứng dụng infographic để minh họa bài viết...

 

 

Các cơ quan Đảng, đoàn thể đã đẩy nhanh thực hiện số hóa các văn bản, dữ liệu, lưu trữ tư liệu trên icloud và các nền tảng internet, triển khai các ứng dụng công nghệ số trên điện thoại thông minh phục vụ công việc. Nhiều hoạt động chuyển đổi số đã được triển khai thực hiện có hiệu quả như: thiết lập các trang facebook, Fanpage, nhóm zalo phục vụ công tác tuyên truyền, chuyển tải thông tin nội bộ, kết nối đường truyền trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Tại hội nghị hôm nay, chúng ta sẽ nghe một số tham luận có tính chất minh họa những kết quả bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong đoàn viên thanh niên - lực lượng xung kích thực hiện chuyển đổi số; trong xây dựng đô thị thông minh tại thành phố Đông Hà, các mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; phát biểu tham luận của Chi nhánh Viettel Quảng Trị - đơn vị tư vấn xây dựng Trung tâm giám sát hành chính công, giám sát an toàn giao thông và an ninh trật tự công cộng, giám sát y tế, giáo dục, thông tin kinh tế - xã hội.. (IOC) của tỉnh.

 

Thiết bị AI để đo nhiệt độ và nhận diện tự động phục vụ phòng chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể và so sánh với các mục tiêu, yêu cầu đề ra trong Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 04/11/2021 của Tỉnh ủy, kết quả chúng ta đạt được chưa đồng đều ở các ngành, địa phương, nhiều chỉ tiêu đạt rất thấp so với mục tiêu đến năm 2025. Một trong những nguyên nhân chính làm chậm quá trình chuyển đổi số xuất phát từ nhận thức, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TU trong thời gian tới, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ ở tất cả các cấp, các ngành trong thực hiện chuyển đổi số; Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị hôm nay với mong muốn và yêu cầu đặt ra là góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng và mang tính chiến lược này, bởi theo nhận xét của nhiều chuyên gia, thành công của chuyển đổi số 80 % là từ nhận thức, ý chí của người lãnh đạo, 20% là công nghệ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy hy vọng và tin tưởng sau hội nghị quan trọng này, nhận thức của các cấp ủy Đảng, của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp trong tỉnh, đặc biệt là người đứng đầu sẽ có chuyển biến mới, từ đó góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số trên quê hương Quảng Trị của chúng ta.

Xin kính chúc ông Trương Gia Bình và các vị lãnh đạo Tập đoàn FPT, các đồng chí lãnh đạo cùng toàn thể các đồng chí dự hội nghị tại các điểm cầu trong toàn tỉnh mạnh khỏe, hạnh phúc .

Chúc sự nghiệp chuyển đổi số của tỉnh chúng ta đạt nhiều kết quả mới.

Trân trọng cảm ơn các đồng chí.

Tác giả: Thanh Thọ

Nguồn tin: Tạp chí Cửa Việt

More
Thống kê
  • Hôm nay2
  • Tháng hiện tại1373
  • Tổng lượt truy cập2.245.556