Chi tiết - Sở nội vụ

Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử của Việt Nam

Cuộc thi trên ứng dụng VNeID diễn ra từ tháng 5/2024 đến hết ngày 10/7/2024. Hình thức tham dự thi bằng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 và trả lời câu hỏi trắc nghiệm trên ứng dụng VneID. Các Phòng, Ban, Trung tâm tổ chức cho 100% cán bộ, công chức, viên chức tham gia cuộc thi trên ứng dụng VneID. Giải thưởng cuộc thi do Bộ Công an trao thưởng trực tiếp trên ứng dụng.

Ngày 11/4/2024, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) ban hành Kế hoạch 2950/KH-QLHC-TTDLDC về tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử của Việt Nam”

Dưới đây là câu hỏi kèm gợi ý trả lời bài dự thi Tìm hiểu pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử của Việt Nam năm 2024:

I. CÂU HỎI ĐỐI VỚI CÁ NHÂN THAM GIA CUỘC THI

Câu 1: Vì sao phải đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước?

Việc sử dụng tên “Luật Căn cước” sẽ bảo đảm thể hiện đầy đủ chính sách, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung Luật. Đồng thời, thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là phải quản lý đối với toàn bộ xã hội, mọi người dân sinh sống tại Việt Nam; bảo đảm các quyền của con người, quyền công dân theo quy định của Luật.

Việc lược bỏ cụm từ “công dân” trong tên Luật không tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân. Nội dung Luật Căn cước cũng đã quy định phân biệt việc cấp căn cước cho công dân Việt Nam và cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người chưa có đầy đủ các quyền như công dân Việt Nam.

Nếu để tên Luật là Luật Căn cước công dân sẽ không thể hiện được đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại  Luật này, tên Luật chưa bảo đảm phù hợp, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung  Luật; kể cả việc chỉnh lý kỹ thuật như một số ý kiến tham gia theo hướng quy định việc quản lý đối với người gốc Việt Nam ở phần quy định chuyển tiếp của Luật cũng chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (nội dung  văn bản cần phù hợp với mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh của văn bản). Ngoài ra, quy định tên Luật là Luật Căn cước công dân cũng dẫn đến cách hiểu chỉ thể hiện việc quản lý căn cước đối với công dân Việt Nam, làm thu hẹp yêu cầu trong quản lý căn cước ở nước ta, không bảo đảm được yêu cầu quản lý căn cước đối với toàn bộ người dân sinh sống tại Việt Nam để bảo đảm các quyền con người, quyền công dân theo quy định Luật.

Câu 2: Sau ngày 01/7/2024, Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực thi hành, thẻ Căn cước công dân, chứng minh nhân dân của Anh/chị còn giá trị sử dụng không? Công dân có cần phải đi thực hiện đổi sang thẻ Căn cước không?

Luật Căn cước được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023. Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Theo quy định tại Điều 46 Luật Căn cước thì giá trị sử dụng của Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân được quy định như sau: 

- Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày 01/7/2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ.

- Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

- Trường hợp Thẻ căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

- Người dân không phải đi làm thẻ căn cước theo mẫu mới mà có thể sử dụng Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân đến hết thời hạn giá trị sử dụng quy định như trên.

Câu 3: Sau ngày 01/7/2024, Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực thi hành, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp loại giấy tờ gì? Những đối tượng này cần phải làm gì để được cấp loại giấy tờ này?

Theo khoản 1 Điều 30 Luật Căn cước, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã được cấp giấy chứng nhận căn cước.

Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch cần phải:

- Liên hệ Công an cấp huyện nơi người đó sinh sống để cung cấp các trường thông tin theo yêu cầu của Phiếu thu thập thông tin dân cư và các giấy tờ tài liệu liên quan đến bản thân và gia đình; hoàn thiện các hồ sơ chứng minh đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên

- Liên hệ Công an cấp huyện để được thu thập các thông tin sinh trắc học vân tay và hình ảnh.

Câu 4: Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi có bắt buộc phải làm Căn cước không? Người đại diện hợp pháp cần phải làm gì để công dân dưới 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước?

Không. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu (Điều 19 Luật Căn cước)

Theo khoản 2 Điều 23 Luật Căn cước, người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Trường hợp người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước. Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi;

Người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học theo quy định.

Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.

Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có người đại diện hợp pháp hỗ trợ làm thủ tục

Câu 5: Anh/chị cảm nhận như thế nào khi phải cung cấp thông tin sinh trắc học vân tay, ảnh khuôn mặt và mống mắt khi làm thẻ căn cước? Anh chị có sẵn sàng cung cấp thông tin sinh trắc học về giọng nói và ADN cho cơ quan Công an không, vì sao?

Câu 6: Anh/chị có sẵn sàng đến cơ quan Công an để tích hợp các thông tin của mình vào bộ phận lưu trữ của thẻ Căn cước (chip điện tử) để đáp ứng cho các giao dịch không?

Câu 7: Theo anh/chị, căn cước điện tử mang lại những lợi ích gì cho bản thân và xã hội? Anh/chị mong muốn sử dụng Căn cước điện tử như thế nào?

Câu 8: Anh/chị trình bày mong muốn, ý tưởng lực lượng CAND phục vụ gì khi Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực thi hành?

Câu 9: Anh/chị mong muốn ứng dụng VNeID cung cấp những tiện ích gì để phục vụ các hoạt động giao dịch điện tử hiệu quả, thuận tiện.

II. CÂU HỎI ĐỐI VỚI CƠ QUAN, TỔ CHỨC, TẬP THỂ THAM GIA CUỘC THI

Câu 1: Vì sao phải đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước? Việc đổi tên Thẻ căn cước công dân thành Thẻ căn cước có ảnh hưởng gì đến hoạt động của cơ quan, tổ chức không?

Việc đổi tên thẻ không phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân hoặc chi ngân sách nhà nước vì tại Điều 46 Luật Căn cước đã có quy định chuyển tiếp: Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật; thẻ Căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ Căn cước được quy định tại Luật Căn cước.

Việc thay đổi từ mẫu thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước là để phù hợp với tên gọi Luật Căn cước đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Việc quy định như vậy giúp thể hiện đúng bản chất của thẻ là loại giấy tờ có chứa thông tin về căn cước của người dân; giúp phân biệt người này với người khác; xác định danh tính trong thực hiện giao dịch... Quy định tên gọi là thẻ Căn cước cũng không tác động đến địa vị pháp lý về quốc tịch của công dân (vì trong thẻ đã thể hiện rõ thông tin về quốc tịch của người được cấp thẻ là quốc tịch Việt Nam).

Việc đổi tên thẻ thành thẻ Căn cước còn để bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế; bảo đảm tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới; hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung Luật khi Việt Nam có ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ Căn cước thay cho hộ chiếu trong việc đi lại giữa các quốc gia (ví dụ như đi lại trong khối ASEAN). Hiện nay, thẻ Căn cước được thiết kế tuân thủ theo tiêu chuẩn chung của ICAO về tổ chức lưu trữ, khai thác thông tin trên chip điện tử; thẻ có tính bảo mật cao, thuận lợi cho người dân trong việc bảo quản, sử dụng trên trường quốc tế.

Câu 2: Cơ quan, tổ chức đã tuyên truyền, phổ biến về Luật Căn cước cho cán bộ, công nhân viên trong đơn vị theo hướng dẫn của lực lượng Công an nhân dân như thế nào? Hoạt động tuyên truyền về luật căn cước ở cơ quan, tổ chức của anh chị đã đạt được những kết quả gì?

Câu 3: Từ ngày 01/7/2024, Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực thi hành, cơ quan, tổ chức mong muốn được cung cấp các phương thức khai thác dữ liệu như thế nào để phục vụ nhu cầu chuyển đổi số một cách an toàn, hiệu quả, đúng quy định pháp luật?

Câu 4: Cơ quan, tổ chức đã ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử như thế nào? Khi Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực thi hành, cơ quan tổ chức có kế hoạch gì để phát triển những ứng dụng hiện hành?

Câu 5: Cơ quan, tổ chức mong muốn được sử dụng ứng dụng VNeID trong hoạt động chuyển đổi số của đơn vị mình?

Câu 6: Cơ quan, tổ chức có ý tưởng sáng tạo gì cho lực lượng Công an nhân dân để triển khai tốt các quy định của Luật Căn cước năm 2023?

Thể lệ Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử của Việt Nam năm 2024

(1) Đối tượng: Tập thể, cá nhân tham gia (Trừ thành viên trong Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Tổ Giúp việc, Tổ Thư ký và cá nhân tổ chức liên quan trực tiếp đến tổ chức cuộc thi này). Đối với các bài thi đã tham dự tại các cuộc thi khác tương tự không được tham gia tại cuộc thi này.

(2) Hình thức: Tập thể, cá nhân tham gia cuộc thi dưới hình thức thi viết bằng tiếng Việt, viết tay hoặc đánh máy trên khổ giấy A4, không photocopy, video, clip, khuyến kích các hình thức sáng tạo, ứng dụng công nghệ để tham gia cuộc thi (Cách thức dự thi được quy định và hướng dẫn cụ thể trong Thể lệ cuộc thi và được công bố rộng rãi và cập nhật trong mã QRcode)

(3) Nội dung: Nội dung câu hỏi, thi viết liên quan đến các quy định của pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 27/11/2023 (Luật Căn cước năm 2023 số 26/2023/QH15) và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành.

(4) Thời gian tổ chức cuộc thi: Tổ chức làm 02 Vòng thi, cụ thể:

- Vòng 01: Công an các địa phương tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành trước ngày 20/7/2024.

- Vòng 02: Cục Cảnh sát QLHC về TTXH tập hợp các bài thi từ Công an các địa phương và tổ chức chấm thi, trao giải, tổng kết hoàn thành trước ngày 02/9/2024.

Mã QR để cập nhật tài liệu tuyên truyền cuộc thi

 

Bài viết liên quan
Thống kê
  • Hôm nay17
  • Tháng hiện tại189
  • Tổng lượt truy cập2.238.829