Chi tiết - Sở nội vụ

Tỉnh Quảng Trị những năm mới lập lại tỉnh qua tài liệu lưu trữ năm 1989

Nhân kỷ niệm 35 năm lập lại tỉnh Quảng Trị (01/7/1989-01/7/2024), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh trân trọng giới thiệu một số tài liệu quan trọng về tổ chức bộ máy, cán bộ và các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh thời kỳ lập lại tỉnh năm 1989.

Sau cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, các đơn vị hành chính cấp phủ đổi thành cấp huyện, bỏ đơn vị hành chính cấp tổng, thành lập cấp xã. Cuối tháng 7 năm 1954, theo Hiệp định Giơnevơ, sông Hiền Lương được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời chia đôi tỉnh Quảng Trị.

Sau khi thống nhất nước nhà, năm 1976, bốn đơn vị hành chính Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh được sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên, sáp nhập các huyện (tỉnh Quảng Trị cũ có 4 huyện, thị: Triệu - Hải, Bến - Hải, Hướng - Hóa, thị xã Đông Hà).

Ngày 08 tháng 5 năm 1989 Ban Chấp hành Trung ương ra Quyết định 87 QĐ/TW  cho chia tỉnh Bình Trị Thiên, lập thành 3 tỉnh: Tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tháng 7 năm 1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại, đặt tỉnh lỵ tại thị xã Đông Hà. Toàn tỉnh gồm 02 thị xã, 03 huyện với 126 xã, phường.

Thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã nhanh chóng hình thành, sắp xếp và ổn định bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý các mặt hoạt động xã hội. Đây là dịp tốt để đổi mới công tác tổ chức và cán bộ bằng việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đề bạt, trẻ hóa cán bộ, tinh giản bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan Đảng, đoàn thể quần chúng…(cơ quan Tỉnh ủy chỉ có 45 người, các ban, ngành cấp tỉnh chỉ 10 - 20 người, trong Tỉnh ủy có 92 % trình độ đại học, tuổi đời bình quân 49,6 tuổi, cán bộ lãnh đạo của các ban, ngành cấp tỉnh trên 70% có trình độ đại học, tuổi bình quân là 47,5 tuổi); Công tác quản lý cán bộ, quản lý biên chế luôn luôn được tỉnh chú ý.

Ngay từ lúc mới chia ra Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Chỉ thị cho các ban, ngành và các địa phương quy định chấn chỉnh việc tiếp nhận, điều động, bố trí cán bộ nhằm bảo đảm cho bộ máy các ngành, các địa phương tinh, gọn có hiệu lực, lường trước tình trạng ban đầu mới lập lại do thiếu cán bộ, nhân viên không đủ các tiêu chuẩn cần thiết, nhờ vậy cho đến nay bộ máy các ngành nhìn chung đã gọn.

Công tác tổ chức chính quyền sau khi hoàn thành cơ bản tổ chức bộ máy các ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị sự nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc từng ngành, tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo việc bầu cử Hội đồng nhân dân ở 3 cấp. Cuối năm 1989 đầu năm 1990 thực hiện Quyết định của Trung ương về việc thành lập thị xã Quảng Trị và chia huyện Bến Hải và Triệu Hải.

Chủ trương chia tỉnh là một quyết định đúng đắn, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, Đảng viên, nhân dân trong tỉnh. Với tỉnh mới, ý thức về truyền thống được thức tỉnh, phong trào quần chúng có khí thế hơn, ý thức đối với quê hương, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân dân đề cao hơn, những vướng mắc ít đi; chỉ đạo điều hành trong địa bàn gọn, thích hợp, cán bộ lãnh đạo bám được các cơ sở, nhận và xử lý các thông tin nhanh có hướng giải quyết đúng và kịp thời hơn; nhìn chúng quá trình thực hiện chia tách đạt kết quả tốt.

- Ngày 30 tháng 5 năm 1989, Ban Chấp hành Trung ương ra Quyết định số 698 NQNS/TW về nhân sự chủ chốt tỉnh Quảng Trị; đồng chí Nguyễn Đức Hoan, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, giữ chức quyền Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị; đồng chí Nguyễn Bường, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Trị Thiên, giữ chức quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị.

- Ngày 14 tháng 7 năm 1989 Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 65/HĐBT về việc phê chuẩn biên bản ngày 10 tháng 7 năm 1989 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị, Khóa I kỳ họp thứ nhất về việc bầu cử Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 1985-1989, gồm các đồng chí sau: Đồng chí Nguyễn Bường giữ chức Chủ tịch; Đồng chí Nguyễn Minh Kỳ giữ chức Phó Chủ tịch; Đồng chí Nguyễn Đức Hân giữ chức Phó Chủ tịch.

- Tháng 7 năm 1989, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị ra Quyết định số 01 QĐ/UB về việc tổ chức bộ máy gồm 31 cơ quan, chuyên môn đơn vị sự nghiệp và sản xuất kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Ngày 17 tháng 7 năm 1989, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên ra Thông báo số 459/TB từ 0 giờ ngày 20/7/1989 Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên kết thúc hoạt động.

Giai đoạn này tỉnh Quảng Trị xác định bước vào một thời kỳ mới, tuy có thuận lợi nhưng khó khăn vô vàn; nhưng với truyền thống đoàn kết, cần cù, đấu tranh kiên cường, dũng cảm của nhân dân ta; với sự giúp đỡ của đồng bào đồng chí trong cả nước, sự hỗ trợ giúp đỡ của Trung ương, tỉnh Quảng Trị đồng lòng, đồng sức, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau để phấn đấu vươn lên xây dựng tỉnh nhanh chóng đưa vào thế ổn định.

 

 Quyết định số 87 QĐ/TW ngày 08/5/1989 của Ban Chấp hành Trung ương về việc 
chia tỉnh Bình Trị Thiên, lập thành ba tỉnh: tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên Huế

Quyết định số 698 NQNS/TW ngày 30 tháng 5 năm 1989 của Ban Chấp hành Trung ương  về nhân sự chủ chốt tỉnh Quảng Trị

 

Thông báo số 459/TB ngày 17 tháng 7 năm 1989 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên 
về việc kết thúc hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên

Quyết định số 85/HĐBT ngày 14 tháng 7 năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng 
về việc phê chuẩn biên bản bầu cử Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị

 

Quyết định số 01 QĐ/UB tháng 7 năm 1989 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị
về việc tổ chức bộ máy các cơ quan, chuyên môn đơn vị sự nghiệp và sản xuất kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh

 

Nghị Quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 8 năm 2009 của Chính Phủ 
về việc thành lập thành phố Đông Hà thuộc tỉnh Quảng Trị

Nghị định số 83/CP ngày 17 tháng 12 năm 1996 của Chính phủ 
về việc thành lập huyện Đakrông thuộc tỉnh Quảng Trị

 

Những tài liệu trên đây đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Quảng Trị, trân trọng giới thiệu với độc giả./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Khánh, Phan Thị Quyên

Bài viết liên quan
Thống kê
  • Hôm nay2
  • Tháng hiện tại371
  • Tổng lượt truy cập2.247.875