Chi tiết - Sở nội vụ

Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024

Trang Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị xin đăng tải bai phát biểu của Sở Nội vụ tại Hội nghị thảo luận Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024

Nhận thức sâu sắc việc cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI)… là thước đo về hiệu quả quản lý, điều hành của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cấp và của các cơ quan nhà nước trên địa bàn Quảng Trị. Sở Nội vụ cũng xác định cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo sự hài lòng của doanh nghiệp, nâng cao xếp hạng Chỉ số PCI  là động lực quan trọng để thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, thực trạng trong những năm qua, mặc dù Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban chỉ đạo CCHC-PCI của tỉnh và Chính quyền các cấp đã ban hành các Nghị quyết, nhiều giải pháp quyết liệt, nhưng xếp hạng các Chỉ số PCI của tỉnh vẫn chưa đạt như mong muốn: Lấy kết quả Chỉ số năm 2023, Chỉ số PAR Index xếp thứ 41 (tăng 11 bậc so với năm 2024), Chỉ số PAPI xếp thứ 26 (tăng 11 bậc); Nhưng Chỉ số PCI xếp thứ 60 (giảm thêm 1 bậc) và nằm trong xếp loại nhóm cuối của các tỉnh, thành phố trog cả nước và không đạt mục tiêu mà Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 4/11/2021 của BCH Tỉnh đảng bộ đã đề ra. Điều đó cho thấy, mặc dù tỉnh ta quyết tâm, nhưng vẫn còn những hạn chế trong tổ chức thực hiện và các địa phương khác cũng đều quyết tâm cao để cải thiện và nâng cao vị trí xếp hạng của Chỉ số PCI và các chỉ số nêu trên.

Là cơ quan thường trực tham mưu trong triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện nâng cao các chỉ số SIPAS, PAPI. PCI, Sở Nội vụ đã cùng với các cơ quan tham mưu UBND tỉnh các giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện và nâng cao các Chi số, cụ thể, như: Hàng năm tham mưu Hội nghị phân tích các Chỉ số và chuẩn bị nội dung cuộc họp của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tuyên truyền cho cán bộ, công chức cấp sở đến cấp xã về triển khai công tác cải cách hành chính; trực tiếp làm Báo cáo viên các lớp đối tượng 4, cán bộ công chức, cấp ủy, cán bộ đoàn thể và không chuyên trách cơ sở. Tại các Hội nghị Phân tích các Chỉ số đều tham mưu UBND tỉnh mời người đứng đầu các cơ quan, Chủ tịch UBND cấp huyện, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp trẻ tỉnh… để đánh giá, phân tích kết quả đã đạt được, chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân vì sao còn hạn chế và cơ quan nào chịu trách nhiệm; Thực hiện ký cam kết giữa người đứng đầu các cơ quan, Chủ tịch UBND cấp huyện với Chủ tịch UBND tỉnh về cam kết các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện và nâng cao các Chỉ số: Cải cách hành chính (PAR Index,  Chỉ số CCHC cấp sở, huyện),  PCI, PAPI, SIPAS; thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn; Hàng năm đều có các văn bản chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương trong thực hiện công vụ, thực hiện văn hóa công sở; Trong tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính đã triển khai Đề án thí điểm hợp đồng với Bưu điện tỉnh thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh; Đẩy mạnh và quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu về chuyển đổi số, thực hiện tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, giải quyết công việc trên môi trường mạng, thanh toán trực tuyến (hạn chế tiếp xúc trực tiếp trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính).

Hàng tháng, hàng quý trên cơ sở số liệu trên hệ thống, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ theo dõi kết quả tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính của các cơ quan trên địa bàn tỉnh đã kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những hạn chế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính. Kết quả năm 2023 và năm 2024 đã khắc phục được việc hồ ơ trễ hẹn, giải quyết và trả thủ tục đúng hẹn tỷ lệ cao (năm 2022 cả tỉnh có 25.368/401.549 hồ sơ trễ hạn, nhưng năm 2023 chỉ có 1.147/315,663 hồ sơ trễ hạn, đạt tỷ lệ đúng hẹn 99,63%, năm 2024 đã giải quyết đúng và trước hạn 389.956/390.698 hồ sơ, quá hạn 742 hồ sơ đạt tỷ lệ đúng hẹn 99,81% và thực hiện xin lỗi người dân tổ chức, doanh nghiệp khi trễ hạn hồ sơ TTHC).

Riêng về Chỉ số PCI, từ năm 2022 trở về trước Sở Nội vụ được phân công theo dõi Chỉ số thành phần Chi phí không chính thức. Đến năm 2023, Sở Nội vụ được phân công theo dõi 04/10 chỉ số thành phần trong Chỉ số PCI (gồm: Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động và tiên phong của chính quyền), điều đáng buồn năm 2023 cả 4 chỉ số thành phần trên đều tụt xếp hạng trong 63 tỉnh, thành phố cả nước (cụ thể: Chi phí thời gian xếp thú 60, Chi phí không chính thức xếp thứ 61, Cạnh tranh bình đẳng xếp thứ 59, Tính năng động và tiên phong của chính quyền xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố). Các chỉ số thành phần trên được các Doanh nghiệp trả lời, phản ánh qua Phiếu điều tra liên quan đến nhiều cơ quan, như: Thuế, Hải quan, Công an (môi trường, chữa cháy), Quản lý thị trường, Sở Kế hoạch Đầu tư (trong cấp phép thành lập, đổi tên doanh nghiệp), Sở Tài nguyên- Môi trường (đất đai, giải phóng mặt bằng, môi trường), UBND các cấp (trong đấu thầu, giải phóng mặt bằng, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính), Tòa án nhân dân và sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức... Sở Nội vụ nhận thấy trách nhiệm để tham mưu các giải pháp giúp đẩy mạnh cải cách hành chính và tham mưu UBND tỉnh chấn chỉnh các sở, ngành trên địa bàn.

Kết quả PCI của tỉnh là kết quả đánh giá, phản ánh của doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh, đã được VCCI công bố và chi tiết được thể hiện tại Bảng dữ liệu PCI các năm và dữ liệu năm 2023, tuy còn nhiều điều đáng bàn, như: chất lượng trả lời các câu hỏi của các doanh nghiệp; thực trạng tuân thủ các quy định của pháp luật, việc áp dụng chuyển đổi số của các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn .v.v.. còn nhiều hạn chế, nhưng chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua sự nỗ lực đồng hành phục vụ người dân, doanh nghiệp của các Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn vẫn chưa thực sự đáp ứng tốt nhu cầu và mức hài lòng của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng trực tiếp đến Chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh.

Để cải thiện mạnh mẽ hơn sự hài lòng của Doanh nghiệp trên địa bàn, cải thiện thứ hạng của Chỉ số PCI cũng như cải thiện nâng cao các Chỉ số khác của tỉnh, tại Sở Nội vụ đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của Chỉ số PCI và các Chỉ số (SIPAS, PAPI, PAR Index...) trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của địa phương và tỉnh nhà (tạo công ăn việc làm cho người lao động- nhất là lao động trẻ của tỉnh, tăng nguồn ngân sách, phát triển đô thị....) là yếu tố hết sức quan trọng, vì nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện, nâng cao các Chỉ số sẽ giúp cơ quan hành chính, cơ quan chức năng trên địa bàn và của thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tốt hơn trong thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính, ý thức phục vụ và quyết tâm tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời việc nâng cao nhận thức về vai trò của Doanh nghiệp, người dân về các Chỉ số sẽ giúp họ nhìn nhận - đánh giá khách quan và mang tính đồng hành với Tỉnh trong trả lời Phiếu điều tra, góp phần cải thiện, nâng cao thứ hạng các Chỉ số trên của tỉnh (trong đó có Chỉ số PCI) chính là góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.

 Thứ hai, Theo dữ liệu PCI các năm, sự sụt giảm xếp hạng chỉ số thành phần Chi phí không chính thức sẽ kéo theo sự sụt giảm các chỉ số thành phần Chi phí thời gian, Tính năng động sáng tạo và ảnh hưởng đến niềm tin của cộng đồng Doanh nghiệp, các Nhà đầu tư (kể cả các Nhà đầu tư nước ngoài) tới tỉnh Quảng Trị, người đứng đầu các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, rõ ràng việc tập trung cải thiện nâng cao các Chỉ số trên là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết. Vì vậy, hàng năm trên cơ sở công bố các Chỉ số, cần tiếp tục tham mưu để Ban chỉ đạo cải cách hành chính tiếp tục tổ chức Hội nghị phân tích, đánh giá kết quả các Chỉ số trong năm, để đối chất, tìm giải pháp và giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu trong việc xử lý các hạn chế, chỉ ra sự nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân và DN của các cơ quan có liên quan trực tiếp đến các tiêu chí thành phần các Chỉ số.

Thứ ba, việc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện với Doanh nghiệp định kỳ, Mô hình coffe với Doanh nghiệp... là rất cần thiết (nếu được thì bố trí ngân sách để tăng cường thêm các hình thức, mô hình khác nữa) giúp kịp thời nắm bắt tâm tư, phản ánh và trao đổi trực tiếp giữa Doanh nghiệp, doanh nhân với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện và cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Tuy nhiên việc đối thoại, tiếp xúc cần phải cởi mở, thân thiện và thẳng thắn, trong đó: Doanh nghiệp cần phản ánh thẳng thắn, đề xuất kiến nghị hoặc nêu cụ thể thực trạng các trường hợp chậm xử lý hoặc nhũng nhiễu, gây khó khăn cho Doanh nghiệp.... Lãnh đạo cơ quan chủ quản tiếp thu, giải thích trực tiếp hoặc nhanh chóng, kịp thời chỉ đạo các Phòng chuyên môn có liên quan giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc của Doanh nghiệp, hoặc phản ảnh bằng văn bản lên UBND tỉnh, Ban chỉ đạo CCHC- PCI của tỉnh đề nghị giải quyết.

Thứ bốn, Hiện nay Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) của tỉnh vẫn chưa được ban hành (việc này đã nêu ra từ lâu), đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư chủ trì sớm tham mưu UBND ban hành và tổ chức thực hiện hàng năm và thực hiện công bố và rút kinh nghiệm trong Quý I của năm tiếp theo để chỉ ra các nguyên nhân yếu kém, từ đó có giải pháp khắc phục giúp cải thiện và nâng cao chỉ số PCI. Việc phân công theo dõi các chỉ số thành phần trong Bộ chỉ số cần sớm được UBND tỉnh xem xét phân công hợp lý.

Thứ năm, Sở Nội vụ tiếp tục đổi mới tham mưu đề xuât UBND tỉnh và thực hiện hiệu quả kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác CCHC, việc chấp hành các quy định của nhà nước trong thực thi công vụ, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính …. nhằm chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật kỷ cương và phòng, chống tham nhũng, nhũng nhiều, tiêu cực; kịp thời đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ sáu, hiện nay việc chuyển đổi số và số hoá mạnh mẽ, mở ra cơ hội lớn cho Doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin,  tính tự động hóa trong quản trị sản xuất và kinh doanh .v.v.  vì vậy, cộng đồng Doanh nghiệp cần thay đổi và nâng cao kỹ năng tìm hiểu thông tin và áp dụng công nghệ số, nhất là thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến qua mạng, vừa đỡ giảm kinh phí, thời gian đi lại, vừa phòng chống nhũng nhiễu, có sự hài lòng cao.

Xin kính chúc Chủ trì và các đại biểu dự Hội nghị có nhiều sức khỏe, thành công và hạnh phúc trong cuộc sống

Bài viết liên quan
Thống kê
  • Hôm nay20
  • Tháng hiện tại706
  • Tổng lượt truy cập2.309.945
SỞ NỘI VỤ QUẢNG TRỊ

SỞ NỘI VỤ QUẢNG TRỊ

Địa chỉ: 23 Duy Tân - TP. Đông Hà , Quảng Trị
Email: lethilinh@quangtri.gov.vn   Điện thoại: 0233 3 575 084    Fax: 0233 3 850 301
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ Hit Club