Chi tiết - Sở nội vụ
“Vi hành” để siết kỷ cương công vụ
- 22-03-2022
- 2248 lượt xem
Theo thông tin từ Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, trong năm 2021, toàn tỉnh có 47 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật. Trong đó, có 4 người bị cách chức, cho thôi việc và 12 người bị kỷ luật cảnh cáo, còn lại bị kỷ luật khiển trách. Đáng chú ý, trong 47 cán bộ bị kỷ luật có 26 người vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ (chủ yếu là quản lý đất đai, quản lý rừng), đạo đức lối sống (chủ yếu vi phạm quy định phòng chống COVID-19, cờ bạc), còn lại là vi phạm chính sách dân số.
Đây không phải là một thông tin vui, bởi 47 cán bộ bị kỷ luật đó đã vi phạm kỷ cương, phép nước ở các mức độ khác nhau, ảnh hưởng đến tập thể nơi họ đang công tác. Thông tin này ít nhiều làm xói mòn niềm tin của một bộ phận người dân về những công bộc của họ, khi có không ít cán bộ công chức thoái hóa biến chất, đặc biệt là những người vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, lối sống. Việc cán bộ bị kỷ luật cũng tạo nên một nốt trầm trong sự nghiệp của bản thân và nỗi buồn cho người thân của họ.
Nhưng ở một khía cạnh khác, thông tin hàng loạt cán bộ bị xử lý cũng cho thấy chính quyền, ngành chức năng địa phương nỗ lực làm trong sạch đội ngũ; khẳng định quan điểm rằng những cán bộ chểnh mảng trong quá trình phục vụ Nhân dân, vì lợi ích bản thân mà quên đi lợi ích chung, là những “con sâu làm rầu nồi canh” cần phải được xử lý.
Ngày 10/2, chỉ sau tết Nguyên đán Nhâm Dần đã là ngày làm việc đầu tiên của đoàn kiểm tra việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh Quảng Trị do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng ký quyết định thành lập. Nội dung kiểm tra bao gồm việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đặc biệt là việc sử dụng thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Khi chúng tôi hỏi vì sao lại lập đoàn kiểm tra vào thời điểm đó, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, sở dĩ tỉnh thành lập đoàn siết kỷ cương công vụ trong những ngày đầu xuân mới là vì muốn thiết lập lại ngay lập tức cung cách làm việc nghiêm túc như bình thường.
Ông Hưng chia sẻ thêm, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức có tư duy “tháng Giêng, tháng Hai là tháng ăn chơi”, chểnh mảng thi hành công vụ bởi không khí vui xuân đang còn. “Nhân dân, doanh nghiệp đang cần cán bộ, công chức cùng bắt tay trở lại làm việc tử tế ngay từ đầu năm, để không làm trì trệ công việc chung, ảnh hưởng đến các nhiệm vụ đã đề ra”, ông Hưng nhấn mạnh và khẳng định với chúng tôi “việc kiểm tra không có vùng cấm”. Một số ý kiến cho rằng, đi kiểm tra mà “trống dong cờ mở” thì... bắt được ai? Nhưng cốt lõi của việc lập đoàn kiểm tra là để cán bộ, công chức, viên chức… ý thức rằng, luôn có cơ quan kiểm tra, giám sát giờ giấc, công việc của mình để không lơ là, chểnh mảng, dùng giờ công vào việc tư.
Sau vài ngày “vi hành” kiểm tra việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị những ngày đầu năm, đoàn công tác đã phát hiện không ít cán bộ vi phạm.
Cán bộ, công chức bị phát hiện vi phạm những lỗi không mới, như: Đi làm muộn, không đeo thẻ công chức, vắng mặt không có lý do trong giờ làm việc… Các đơn vị đầu tiên bị “ghi vào sổ đầu bài” là UBND các xã Trung Hải, Gio Châu (huyện Gio Linh), UBND thị xã Quảng Trị, UBND thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong), UBND xã Hải Phú (huyện Hải Lăng).
Những vi phạm này đều được đoàn kiểm tra (với sự có mặt của phóng viên báo, đài địa phương) ghi chép hoặc lập biên bản, sau đó sẽ có xử lý về mặt quản lý nhà nước tùy từng mức độ, tần suất vi phạm. Liên quan đến công tác cán bộ, không ai muốn danh sách những cán bộ vi phạm được nối dài thêm, nhưng cũng cần ủng hộ việc chấn chỉnh, răn đe để những cán bộ nhà nước xứng đáng hơn với niềm tin mà Nhân dân dành cho họ.
Vì thế, đông đảo người dân và dư luận mong mỏi sự “vi hành” này không chỉ để giám sát công việc của cán bộ, công chức, viên chức vào dịp đầu năm (thời điểm nhịp điệu công việc dễ “chùng” xuống sau đợt nghỉ Tết dài ngày), mà cần duy trì suốt năm, có hệ thống. Bởi với một bộ phận cán bộ nhà nước, việc đi làm trễ, “ăn cắp giờ công”… đã thành thói quen khó bỏ, thì sau kỳ kiểm tra mọi chuyện sẽ lại đâu vào đó. Việc giám sát cũng không dừng ở việc “soi” những vi phạm nhỏ như về giờ giấc mà còn nhắm đến những vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, về pháp luật để có những răn đe, kỷ luật kịp thời.
Kỷ luật cán bộ có lẽ là việc “chẳng đặng đừng”, nhưng khi ý thức của một bộ phận cán bộ đi xuống thì đây lại là việc làm ý nghĩa, vì thế việc “vi hành” kiểm tra cần phải được thực hiện thường xuyên hơn.
Tác giả: Nguyễn Phúc
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
-
Thẻ căn cước công dân gắn chip là gì (24/03/2022) -
Tiếp tục ngọn lửa cải cách (24/03/2022) -
Danh mục dịch vụ công mức độ 3,4 năm 2022 của Sở Nội vụ (30/03/2022) -
Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (30/03/2022) -
Bộ Nội vụ điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo cấp vụ (30/03/2022)
- Chính quyền địa phương
- Cải cách hành chính
- Công chức - Viên chức
- Tin tức
- Tổ chức, biên chế
- Hội, tổ chức phi CP
- Hệ thống thông tin CBCC-VC
- Thi nâng ngạch công chức hành chính
- Tổng điều tra cơ sở hành chính năm 2021
- Văn bản quy phạm pháp luật mới
- Thủ tục hành chính
- TTHC cấp huyện
- TTHC cấp xã
- Thông tin tuyển dụng
- ISO 9001:2015
- TIẾP CẬN THÔNG TIN
- Thông tin hữu ích
- Văn thư lưu trữ
- Văn thư - Lưu trữ
- Triển khai Sổ sức khoẻ điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID
- Danh mục TTHC đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình của Sở Nội vụ
- Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam (09/11) năm 2024
- Hưởng ứng Cuộc thi tìm hiểu nội dung sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- BẢN TIN TÔN GIÁO
- Hôm nay8
- Tháng hiện tại529
- Tổng lượt truy cập2.239.169